|
Ngày 12/11/2012, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức Hội thảo công nghệ và trình diễn máy chế biến hạt điều tại tỉnh Bình Dương. Đây là dịp để tôn vinh thành tích của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học – công nghệ - kỹ thuật, các đơn vị chế tạo máy móc, thiết bị có nhiều sáng kiến cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện qui trình công nghệ, thiết kế, chế tạo máy móc phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chế biến hạt điều.
Đến dự hội thảo, ngoài các doanh nghiệp chế biến điều còn có hơn 10 nhà sản xuất máy chuyên dụng cho các khâu chế biến hạt điều, như: dây chuyền công nghệ cắt tách hạt điều tự động năng suất cao; máy đo độ ẩm; máy bóc vỏ lụa; máy phân loại điều thô... Nhóm nghiên cứu công nghệ cao của VINACAS giới thiệu một số công trình nghiên cứu như: Xử lý hạt điều nguyên liệu sau khi hấp của Phân viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch; Thiết kế, xây dựng sân phơi có mái che sử dụng tấm lợp lấy sáng polycarbonate thông minh để giảm tổn thất sau thu hoạch…
Tại buổi trình diễn, nổi trội nhất là hai chiếc máy cắt tách và bóc vỏ lụa “made in Việt Nam”, máy có thể cắt tách bất kỳ cỡ hạt nào, loại hấp hay chao, nguồn gốc hạt của Việt Nam, châu Phi, Campuchia hay Indonesia đều cắt được. Tỷ lệ bể (vỡ) dưới 10% (so với 25% của máy ngoại), tỷ lệ nhiễm dầu (hàng chao) hoàn toàn không có. Ngoài ra chi phí cắt tách chỉ có 1.400 đồng/kg so với chi phí cắt thủ công lên tới 4.000đồng/kg. Đặc biệt quan trọng, giá chiếc máy cắt “made in Việt Nam” chỉ có 400 triệu đồng, trong khi chiếc máy của nước ngoài giá rất cao (800.000 USD). Chiếc máy bóc vỏ lụa đã tạo ra một bước đột phá cho ngành điều Việt Nam. Hình thức bóc vỏ lụa bằng tay, 1 lao động bóc được 10 kg/8 tiếng; thì cũng bằng ấy thời gian chiếc máy hoàn thành 600kg (năng suất tăng gấp 60 lần). Giá của máy bóc vỏ lụa là 160 triệu đồng/máy, so với máy nhập ngoại là 30.000 – 50.000 USD/máy.
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas phát biểu: Máy cắt tách và bóc vỏ lụa nhân điều giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, có thể làm giảm đến 70% lao động, điều này dẫn đến hiệu quả tích cực khi chi phí cho quá trình chế biến giảm có khi lên đến 50%. Và điều quan trọng khác nữa là nếu như một nhà máy làm theo lối thủ công cần đến 5.000m2 nhà xưởng, còn với nhà máy tự động này chỉ cần 2.500m2 nhà xưởng.
Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố
(http://www.khuyennongvn.gov.vn)