Đến lượt Hiệp hội điều muốn loại bớt doanh nghiệp xuất khẩu

Tin tức

Đến lượt Hiệp hội điều muốn loại bớt doanh nghiệp xuất khẩu


 (TBKTSG Online) – Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, nếu đề xuất chỉ những doanh nghiệp nào có công suất chế biến hạt điều từ 2.500 tấn/năm trở lên mới được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu được thông qua thì sẽ có 150 doanh nghiệp (tương đương 50%) sẽ phải ngừng hoạt động xuất khẩu.

Theo một lãnh đạo không muốn nêu tên của Vinacas, hiện Vinacas đã có tờ trình gửi những bộ có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương xem xét trước khi trình Chính phủ thông qua Nghị định kinh doanh và xuất khẩu điều.

“Đề nghị chỉ có những doanh nghiệp có cơ sở chế biến trên 2.500 tấn/năm làm điều kiện chính để cấp giấy phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu là do Câu lạc bộ 20 (G20) xuất khẩu điều lớn của Vinacas đưa ra và Vinacas cũng đồng ý với đề xuất này”, vị đại diện này nói.

Nhiều khả năng số doanh nghiệp không được cấp phép xuất khẩu hạt điều sẽ còn lớn hơn con số 150 doanh nghiệp nói trên. Theo Vinacas, nếu có 150 doanh nghiệp nhưng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp bán phá giá, bán hàng không đạt tiêu chuẩn thì Vinacas sẽ tiếp tục đưa ra những điều kiện khắt khe hơn để tiếp tục giảm số nghiệp xuống.

Mục đích của Vinacas khi đưa ra đề xuất này là trong những năm tới sẽ còn khoảng 75 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều và như vậy giúp Việt Nam kiểm soát được giá điều trên thế giới.

Ý tưởng muốn các doanh nghiệp điều kinh doanh có điều kiện đã được Vinacas đưa ra từ đầu năm 2012. Tuy nhiên lúc đó hiệp hội vẫn chưa đưa ra những điều kiện cụ thể là gì.

Trên thực tế, không chi có Vinacas mà cả Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng có ý định đưa hai ngành này vào kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, những điều kiện mà Vicofa đưa ra để giảm bớt số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê từ 150 xuống còn 100 doanh nghiệp đã gặp những phản đối của các doanh nghiệp nhỏ (doanh nghiệp không có số lượng xuất khẩu trên 5.000 tấn/năm trong hai năm liên tiếp như Vicofa đưa ra làm tiêu chuẩn để cấp phép).

Hiện chỉ có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo nghị định 109. Mục đích của Nghị định 109 là giảm số doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ 262 xuống còn 100 nhưng trên thực tế số doanh nghiệp đạt điều kiện là 150.

Ngày 10-9, trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, về cơ bản Nghị định 109 đã không đạt được mục đích ban đầu là giảm xuống còn 100 doanh nghiệp.

Vì thế, ông Tần cho biết, nếu ngành nông lâm thủy sản nào muốn là ngành kinh doanh có điều kiện cần phải tính toán kỹ càng các điều kiện vì nếu chỉ muốn giảm số lượng doanh nghiệp xuống sẽ khiến các doanh nghiệp liên kết để đạt yêu cầu đề ra. Như vậy, mục đích đặt ra có thể không đạt được”, ông Tần nói.

Tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu được 181.000 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 1,224 tỉ đô la Mỹ, tăng 25.8% về lượng nhưng về giá trị chỉ tăng 2,1%. Giá điều xuất khẩu bình quân trong 9 tháng của năm 2012 là 6.774 đô la Mỹ/tấn. giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2011.

(http://www.thesaigontimes.vn)


Tin liên quan

Sản phẩm

Online

Online Lượt truy cập

Hỗ trợ Online

+84 903 356 729